Monday, November 23, 2020

Tham quan Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội thưởng thức lối kiến trúc cổ xưa

Trái ngược với cuộc sống ồn ào, tấp nập của thủ đô, Hoàng Thành Thăng Long là điểm dừng chân mang đến cho bạn sự cảm nhận về cuộc sống chậm rãi, không chút hối hả giữa lòng Hà Nội. Hãy cùng Halotravel tham quan địa điểm thú vị này nhé!

1. Giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng Thành Thăng Long là khu di tích lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa. Hoàng Thành có từ thế kỷ VII qua thời Đinh – Tiền Lê. Đây là một trong những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Với công trình kiến trúc đồ sộ, nơi đây được gìn giữ và chứng kiến rất nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

hoang thanh thang long _maayyy0105

Ảnh: @_maayyy0105

Khu di tích này có diện tích lên đến 18.395 ha, bao gồm khu khảo cổ và nhiều di tích lịch sử khác còn sót lại trong thời kỳ chiến tranh xưa. Tại đây có đến 8 cổng hành cung thời Nguyễn nên không gian rất rộng và thoáng mát. Vì thế khu di tích được giới hạn bởi các tuyến đường lớn tại Hà Nội: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Bắc Sơn, phía Tây là đường Hoàng Diệu, phía đông là đường Nguyễn Tri Phương. Khi đến đây tham quan, bạn còn có thể ghé thăm những địa điểm nổi tiếng khác trên những tuyến đường gần đó. Nếu bạn đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch quanh Hà Nội của mình thì đừng bỏ qua địa điểm này nhé!

2. Giá vé Hoàng Thành Thăng Long

Khác với những địa điểm tham quan khác, Hoàng Thành Thăng Long mở cửa tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2. Tại đây sẽ có khung giờ mở cửa sáng, chiều khác nhau. Bạn có thể đi vào buổi sáng từ 8h00 – 11h30 hoặc chiều từ 14h – 17h.

hoang thanh thang long _myworldcorner__

Ảnh: @_myworldcorner__

Đây là khu di tích có thu vé tham quan, tuy nhiên mức vé tương đối rẻ. Giá vé Hoàng Thành Thăng Long là 30.000đ/lượt. Riêng đối với trẻ em dưới 15 tuổi và người có công với cách mạng sẽ được miễn phí vé vào cửa. Đối với học sinh, sinh viên và là người cao tuổi (> 60 tuổi) sẽ được giảm vé 50%. Vì thế nếu bạn là học sinh, sinh viên thì đừng quên mang theo thẻ hoặc chứng minh thư để được giảm giá vé nhé!

3. Cách di chuyển đến Hoàng Thành Hà Nội

Đây là địa điểm nổi tiếng nằm ở trung tâm thành phố nên việc di chuyển đến Hoàng Thành Thăng Long rất đơn giản. Bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện xe máy, ô tô, xe bus đều được. Nếu chọn cách di chuyển bằng xe bus bạn có thể đi tuyến bus 22 để đến bến xe Gia Lâm – bệnh viện 103 sẽ đến ngay trước cổng hoàng thành rất tiện.

hoang thanh thang long ii

Ảnh: sưu tầm

Nếu đi xe máy, ô tô bạn có thể đi theo hướng Tràng Thi sau đó rẽ sang Điện Biên Phủ rồi đi vào đường Nguyễn Tri Phương để đến với đường Hoàng Diệu và tìm đến số 19C là sẽ đến Hoàng Thành.

4. Nên đi Hoàng Thành vào thời gian nào? 

Hoàng Thành Thăng Long là khu di tích lịch sử nên bạn có thể ghé thăm vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên bạn cũng nên xem dự báo thời tiết trước khi đi vì mùa hè Hà Nội rất nóng bức nên khi đến đây sẽ cảm thấy mệt hơn những ngày khác. Cũng không nên đi vào lúc trời mưa, khi trời đổ mưa bạn sẽ rất khó để di chuyển bởi các địa điểm tham quan trong hoàng thành cách nhau xa phải đi bộ qua những chỗ không có mái che.

hoang thanh thang long rrr

Ảnh: sưu tầm

Thời điểm mà nhiều người ghé thăm hoàng thành nhất có lẽ là vào tháng 2, tháng 3 hàng năm. Đây là khoảng thời gian sau tết, khi đó thời tiết khá mát mẻ, dễ chịu. Đặc biệt hơn nữa là bạn sẽ được ngắm hàng hoa ban tuyệt đẹp ngay trên đường Hoàng Diệu. Những sắc tím của hoa ban đẹp tựa như đang đứng giữa lòng Tây Bắc thu nhỏ.

hoang thanh thang long hang ha

Ảnh: Hằng Hà

Vào những tháng cuối năm tháng 10, 11, 12 cũng là lúc nơi đây được rất nhiều các bạn sinh viên và nhiếp ảnh gia ghé tới. Vì đây là thời gian chụp ảnh kỷ yếu và cũng là lúc thời tiết Hà Nội bắt đầu vào mùa se lạnh rất dễ chịu. Đây là lúc lý tưởng để chụp một bộ ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp trước khi ra trường của các bạn sinh viên. Tùy theo mục đích khác nhau bạn có thể lựa chọn những khoảng thời gian khác nhau đển đến với khu di tích lịch sử này nhé!

5. Những địa điểm tham quan Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng Thành Thăng Long bao gồm các khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Đoan Môn, cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, nhà D67, Bắc Môn, Hậu Lâu, tường thành và 8 cổng hành cung dưới thời Nguyễn.

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu 

Đây là khu di tích có nhiều dấu tích lịch sử được khai quật nhất như nền nhà, móng nhà, giếng cổ, trụ móng, tượng rồng,…Di tích bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường. Tầng trên là vết tích của cung điện đời Lý – Trần. Tiếp đến là một phần đông cung nhà Lê. Trên cùng là trung tâm thành tỉnh Hà Nội ở thế kỷ 19 (thời nhà Nguyễn). Khi ghé thăm nơi này bạn sẽ được biết thêm những kiến thức văn hóa về kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa các triều đại. Qua đó bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử Việt Nam.

hoang thanh thang long ya_diaries

Ảnh: @ya_diaries

Cột cờ Hà Nội

Đây chắc chắn là một địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long. Cột cờ Hà Nội có chiều cao khoảng 60m gồm 3 phần: phần đế, phần thân và phần vọng canh. Cột cờ được trang trí với các chi tiết khá tỉ mỉ gồm các hoa văn khắc đều trên tường. Nổi bật nhất là ở trên đỉnh cột cờ có lá cờ Tổ quốc cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, khơi gợi tinh thần yêu nước và biết ơn của đồng bào dân tộc Việt Nam.

hoang thanh thang long f1.4to22

Ảnh: @f1.4to22

Cột cờ được xây dựng từ năm 1812 dưới thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên, sau nhiều năm như vậy, cột cờ vẫn đứng hiên ngang và kiên cường vững chắc cho đến tận bây giờ. Đây cũng được xem là một trong những công trình kiên cố cao nhất Hà Nội ở thế kỷ 19. Cho đến nay, những nét hoa văn bên trên cột vẫn còn được in hằn mà không hề mất đi, tất cả vẫn giữ nguyên vẹn cái hình hài vốn có của nó.

Cổng Đoan Môn

Từ cột cờ Hà Nội, đi thêm một đoạn bạn sẽ đến với cổng Đoan Môn. Cổng Đoan Môn chính là cổng chính dẫn vào Hoàng Thành. Đây là địa điểm được nhiều người ghé thăm và checkin nhất. Cổng có thiết kế giống thành cổ xưa gồm 5 cửa vòm và được xây dựng hoàn toàn bằng đá gạch thời Lê. Cánh cửa ở giữa to nhất là lối đi dành cho vua chúa, 4 cánh cửa còn lại là lối đi của quan lại cận thần. Nếu bạn đã từng đến Huế sẽ cảm nhận được nơi này có nét gì đó rất giống với Đại Nội Huế. Khi ngắm nhìn khung cảnh nơi đây, bạn sẽ có cảm giác như được quay về cuộc sống của những ngày xưa cũ đơn sơ, bình dị.

Cùng trải nghiệm 1 ngày ở thư viện sách miễn phí Hà Nội có điểm gì đặc biệt

hoang thanh thang long xjnhxjnh_96

Ảnh: @xjnhxjnh_96

Điện Kính Thiên

Đi qua cổng Đoan Môn bạn sẽ đến với điện Kính Thiên. Đây là nơi diễn ra các buổi thiết triều và tế lễ lớn của triều đình. Trước mặt điện là cột cờ, phía sau có Hậu Lâu, Cửa Bắc, đây là nơi bạn có thể dễ dàng quan sát bao quát mọi thứ xung quanh. Hiện nay tuy dấu tích còn lại chỉ là khu nền cũ với những chi tiết nghệ thuật khắc rồng nhưng cũng đủ để thấy sự hoành tráng của cung điện thời xưa.

hoang thanh thang long ya_diariesdd

Ảnh: sưu tầm

Thành Cung Hậu Lâu

Hậu Lâu còn có tên gọi khác là Tĩnh Bắc Lâu. Đây là một tòa lầu được xây sau lưng Điện Kính Thiên. Xưa kia nơi này là chốn ở của hoàng hậu và các công chúa nên được đầu tư xây dựng rất kỹ càng. Bước vào bên trong bạn sẽ cảm thấy một không gian quý phái, tiện nghi với các nội thất tỉ mỉ và tinh vi.

hoang thanh thang long ya_diariesdddd

Ảnh: sưu tầm

6. Lưu ý khi đi Hoàng Thành Hà Nội

  • Bạn nên mang theo nước uống đi theo vì phải đi bộ nếu trời nắng thì sẽ rất mệt và khát.
  • Tuyệt đối tuân thủ theo quy định chung không mang những đồ có chất cháy nổ, thực phẩm mùi nặng vào khu di tích.
  • Đây là khu di tích lịch sử nên khi đến tham quan bạn nên ăn mặc gọn gàng, kín đáo, lịch sự.
  • Không dẫm chân lên cỏ, trèo leo và xả rác không đúng nơi quy định.
  • Nên đi tham quan theo thứ tự ghi trên sơ đồ Hoàng Thành Thăng Long để tránh mất nhiều thời gian tìm kiếm.
  • Nếu muốn quay phim bạn phải xin phép trước với ban quản lý Hoàng Thành Thăng Long.

Trên đây là những thông tin về Hoàng Thành Thăng Long dành cho bạn. Nếu bạn đang có ý định tìm hiểu và khám phá Hà Nội thì đừng bỏ qua địa điểm ý nghĩa này nhé. Chúc bạn có một chuyến đi nhiều trải nghiệm.

Bài viết bạn quan tâm: 

No comments:

Post a Comment