Chùa Một Cột được xem như là một trong những công trình kiến trúc hàng nghìn năm tuổi mang nét đặc trưng độc đáo của Hà Nội. Chùa Một Cột có kiến trúc vô cùng ấn tượng và đặc biệt là điểm đến văn hóa tâm linh nổi tiếng giữa lòng thủ đô. Sau đây Halotravel sẽ giới thiệu tới bạn những thông tin chi tiết nhất để bạn có chuyến đi hoàn hảo nhất tại đây nhé!.
1. Giới thiệu về Chùa Một Cột
Chùa Một Cột nằm ở đâu?
- Địa chỉ: phố chùa Một Cột, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
- Giờ mở cửa: 7h00 – 18h00
Chùa Một Cột còn được mọi người thường hay gọi với cái tên là Chùa Mật hay Diên Hựu Tự, ngôi chùa độc đáo được xây dựng từ thời Vua Lý Thái Tông trở thành một trong những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt khi chúng ta nhắc tới thủ đô Hà Nội xinh đẹp.
Dưới thời của vua Lý, ngôi chùa này được xây dựng trên khu quần thể của chùa Diên Hựu. Hiện nay là phố Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội. Chùa Một Cột nằm bên cạnh những địa điểm tham quan nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội như Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long…
Chùa Một Cột không chỉ là một biểu tượng đặc sắc của thủ đô Hà Nội mà còn là nét văn hóa đặc trưng của nước Việt ta.
Ảnh: @girlhappylovely2001
Chùa Một Cột được xây dựng dưới thời nào
Theo như nhiều sự tích về chùa Một Cột được kể lại thì từ thuở xa xưa truyền lại rằng Lý Thái Tông là một tín đồ của Phật giáo và phái Vô Ngôn Thông. Thời ấy, đạo Phật đang phát triển, chỉ riêng triều đại này thôi đã cho xây tới 95 ngôi chùa mới, đồng thời trùng tu lại tất cả các pho tượng phật. Đặc biệt, nếu rơi vào các dịp lễ lớn của đạo Phật, toàn dân trên cả nước đều được miễn thuế.
Ảnh: @minhtrangggg
Vào một đêm năm 1049, Lý Thái Tông đã nằm mơ thấy Phật Bà ban cho mình một tòa sen tỏa sáng. Sau khi tỉnh dậy, ngài đã kể lại câu chuyện cho các quân thần trong triều đình nghe. Sau đó, người cùng với Thiền tăng Thuyền Lã đã hướng dẫn xây dựng một ngôi chùa để tưởng nhớ đến đức của Quan Âm. Và đó chính là Chùa Một Cột Hà Nội ngày nay.
2. Hướng dẫn đường đi đến Chùa Một Cột
Ngôi Chùa nằm ngay phía sau bên phải của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình nên với những địa điểm nổi tiếng này thì bạn hoàn toàn có thể dễ dàng lựa chọn những phương tiện phù hợp nhất để di chuyển đến với Chùa Một Cột.
Nếu bạn ở Nội Thành thì có thể đi xe ôm, taxi và bạn chỉ cần nói điểm đến là Chùa Một Cột hoặc Lăng Bác là sẽ được các bác tài đưa đến tận nơi an toàn. Nếu đi xe máy bạn có thể xem hướng dẫn chỉ đường trên Google Maps để đến đây và gửi xe ở các bãi trông giữ xe bên ngoài đường để vào thăm quan Chùa.
Ảnh: @w.channn2608
Nếu đi xe bus bạn có thể đi các tuyến xe buýt số 22, 09, 16, 32, 33, 34, 18, 50, 45 và xuống ở điểm dừng tại 18A Lê Hồng Phong. Đi xe bus tại Hà Nội rất là thuận lợi và an toàn, tuy nhiên nếu bạn đi vào giờ cao điểm thì bạn sẽ mất nhiều thời gian để di chuyển hơn.
Tham khảo: Danh sách tuyến xe buýt di chuyển tại Hà Nội
3. Giờ mở cửa và giá vé vào cửa
Bạn có thể đến tham quan chùa vào khung giờ từ 7:00 sáng đến 18:00 tối hàng ngày. Trong đó, thời lượng tham quan chùa sẽ rơi vào khoảng từ 1 đến 3 giờ đồng hồ. Nếu bạn muốn đến để dâng hương hay lễ bái thì tại đây thường vào những ngày mùng 1 hoặc ngày rằm sẽ tổ chức các lễ cúng của Phật tử và người dân đến dâng hương.
Đối với du khách trong nước là công dân Việt Nam khi tới tham quan và hành hương tại chùa thì sẽ được miễn phí 100% vé vào cửa. Còn đối với những du khách nước ngoài đến đây thì giá vé vào cửa sẽ là 25.000 đồng/người.
Ảnh: @minhtrangggg
4. Nên đến thăm quan Chùa Một Cột vào thời điểm nào?
Bạn có thể tham quan Chùa Một Cột vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên để cho chuyến đi hoàn hảo nhất và bạn có thể chiêm ngưỡng được trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và tâm linh, thì các bạn nên đến tham quan chùa vào mùa hè và nên đến vào vào các ngày mùng 1 đầu tháng hoặc ngày 15 âm lịch hàng tháng.
Nếu tham quan chùa Một Cột vào mùa hè bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bông sen mọc xanh mát, mùi thơm dịu nhẹ lại càng làm nổi bật hơn vẻ đẹp thanh cao của Liên Hoa Đài ở phía trên. Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam cũng là biểu tượng của đài sen Phật pháp vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa.
Ảnh:@luongnhaky
Đến thăm vào những ngày dâng hương hay ngày lễ phật bạn còn được tận mắt chứng kiến nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng của người Việt tại nơi đây. Và bạn cũng có thể cùng với những người dân tới để dâng hương và cảm nhận sâu sắc nét tâm linh huyền bí và cầu bình an cho mình và người thân tại đây.
5. Chùa Một Cột có gì độc đáo?
Cây bồ đề 60 năm tuổi
Cây Bồ Đề này chính là món quà của Tổng thống Ấn Độ trồng tặng cho Việt Nam vào năm 1958, tính đến nay cây bồ đề đã được hơn 60 năm tuổi với những tán cây to, lá xanh rì. Cây bồ đề là loài cây mang một ý nghĩa về Phật giáo và triết lý nhân sinh rất lớn. Cây bồ đề được trồng trong khuôn viên Chùa Một Cột lại là một điểm nhấn khiến cho không gian tại ngôi chùa trở nên uy nghiêm và tâm linh hơn.
Ảnh: sưu tầm
Cổng Tam Quan chùa Một Cột
Khi tới tham quan Chùa Một Cột bạn sẽ phải đi qua Cổng Tam Quan. Đây là công trình mở rộng mới được thiết kế thêm trong vài năm gần đây nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh như đến thăm viếng, thờ cúng của người dân dịp lễ, Tết. Cổng Tam Quan được thiết kế vô cùng đặc biệt gồm hai tầng với ba lối đi, lối đi chính là cửa ở giữa có diện tích rộng hơn. Thoạt đầu chúng ta sẽ nhìn nó trông giống như kiểu kiến trúc của các đình, chùa truyền thống của Việt Nam.
Liên hoa đài
Chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc tập hợp các công trình nhỏ khác nhau và được xen lẫn vào khuôn viên của ngôi chùa. Trong đó, điểm độc đáo tại đây chính là hình ảnh ngôi chùa một cột có kiến trúc đặc trưng đại diện cho toàn bộ quần thể chính là Liên Hoa Đài. Ngôi chùa có diện tích 3m x 3m, được xây dựng khéo léo trên một cột đá đặt ngay tại trung tâm một ao sen khiến chúng ta ngắm nhìn giống như hình tượng bông hoa sen chớm nở trên mặt hồ.
Một số địa điểm du lịch ở Hà Nội có thể bạn quan tâm:
Bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát
Bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát được thiết kế trang trọng đặt ở vị trí chính giữa trung tâm của Liên Hoa Đài. Tượng Phật Quan Âm từ bi được sơn son thếp vàng nổi bật, xung quanh là những đồ thờ cúng được bày biện một cách gọn gàng, khoa học và đặt chính giữa ban thờ. Đến đây chúng ta sẽ có cảm giác không gian trở nên lắng đọng và tôn nghiêm hơn.
Ảnh: sưu tầm
Bậc thang lên chính điện chùa Một Cột
Đi từ sân lên chính điện Liên Hoa Đài tụng kinh, cúng bái bạn sẽ phải bước qua 13 bậc thang với chiều rộng khoảng 1,4 mét. Những bậc thang này đã có từ rất lâu đời, được xây dựng từ thời vua Lý nên còn giữ nguyên vẻ cổ kính của những đặc trưng văn hóa của thời đó. Ngoài ra, hai bên là tường gạch còn có gắn bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa, tạo nên nét cổ kính nên thơ tại đây.
Ảnh: Sưu tầm
6. Địa điểm du lịch gần Chùa Một Cột?
Sau khi tham quan chùa Một Cột bạn có thể kết hợp ghé tới một vài địa điểm du lịch nổi tiếng ở gần đó. Dưới đây, Halo Travel sẽ tổng hợp những địa điểm du lịch ở xung quanh đó nhé:
Địa điểm du lịch | Khoảng cách |
Lăng Bác | 200m |
Hoàng thành Thăng Long | 1.8km |
Văn Miếu Quốc Tử Giám | 1.8km |
Hồ Hoàn Kiếm | 3km |
Nếu có dịp ghé thăm, chắc chắn bạn nên dành trọn một ngày để khám phá những địa điểm đậm dấu ấn dân tộc tại Hà Nội như Lăng Bác; Văn miếu Quốc tử giám; Nhà tù Hỏa Lò; Hoàng thành Thăng Long;… và đặc biệt đến thăm Chùa Một Cột để ngắm nhìn những nét đẹp xưa, cổ kính nhưng không bao giờ cũ tại Thủ Đô nhé!
Bài viết bạn quan tâm:
No comments:
Post a Comment