Monday, November 30, 2020

Nằm lòng kinh nghiệm du lịch phố cổ Hà Nội như dân Hà Thành

Phố cổ là một trong những “đặc sản văn hóa” của người dân Hà Thành. Du lịch phố cổ Hà Nội nên đi đâu, chơi gì vui? Ăn gì ngon nhất? Cùng Halo khám phá ngay tại đây nhé.

1. Giới thiệu chung về phố cổ Hà Nội

Khu vực phố cổ Hà Nội nằm ở phía tây và bắc của hồ Hoàn Kiếm. Phố cổ Hà Nội từ xa xưa nổi tiếng với 36 phố phường với những cái tên thú vị như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Tre, Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai,… Mỗi cái tên này đều được đặt theo các mặt hàng được bày bán trên phố.

Phố cổ có tổng diện tích khoảng 76ha. Đây là nơi buôn bán sầm uất, náo nhiệt của người dân Hà Thành từ xa xưa tới nay. Không những vậy, nơi đây còn lưu giữ, tái hiện chân thực những giá trị văn hóa, lịch sử của người dân thủ đô. Vì vậy, đừng quên du lịch phố cổ Hà Nội để được khám phá nhiều điều thú vị tại đây nhé.

Ảnh: Sưu tầm

2. Cách di chuyển tới khu vực phố cổ Hà Nội

Vậy làm thế nào để di chuyển tới phố cổ Hà Nội? Có rất nhiều phương tiện mà du khách có thể lựa chọn như: xe máy, taxi, xe bus. Tùy vào địa điểm xuất phát và nhu cầu, sở thích cá nhân mà bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp cho mình.

Nếu muốn nhanh chóng, tiện lợi, du khách có thể bắt taxi. Chỉ cần nói địa điểm cụ thể bạn muốn tới, tài xế taxi sẽ đưa bạn đến ngay. Tuy nhiên, cách này sẽ có chi phí hơi cao một chút. Một tip nhỏ đó là bạn có thể gọi grabcar để chi phí rẻ hơn chút so với taxi thông thường.

Ảnh: Sưu tầm

Nếu thích được cảm nhận đường phố Hà Nội, tự mình khám phá mọi ngóc ngách của thành phố thì xe máy sẽ là phương tiện phù hợp cho bạn. Giá thuê xe máy dao động khoảng 120.000đ – 180.000đ tùy loại xe và địa chỉ bạn thuê.

Để tiết kiệm hơn, du khách có thể trải nghiệm xe bus để đi du lịch phố cổ Hà Nội. Hình thức di chuyển này vừa rẻ, vừa nhàn. Bạn sẽ được ngồi trên xe và ngắm nhìn đường phố, cuộc sống của người dân Hà Nội. Một số tuyến xe bus chạy qua khu vực phố cổ đó là:

  • Tuyến xe bus số 09, 14, 36 sẽ đưa bạn đến bờ hồ Hoàn Kiếm.
  • Tuyến xe số 03, 11, 14, 22, 18, 34, 40 đỗ ở bến Ô Quan Chưởng và 81 Trần Nhật Duật.
  • Tuyến xe bus số 31 tới chợ Đồng Xuân.
  • Tuyến xe 31 tới 22c Hàng Lược.

Ảnh: Sưu tầm

3. Khám phá phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội là khu vực tập trung rất nhiều khách sạn từ bình dân, giá rẻ tới cao cấp, sang trọng, homestay. Tùy thuộc vào lịch trình tham quan, ngân sách bạn hãy xác định xem mình muốn ở dạng khách sạn nào nhé.

Dưới đây Halo sẽ gợi ý một số địa chỉ lưu trú nổi bật, được nhiều người lựa chọn khi đi du lịch phố cổ Hà Nội:

Khách sạnĐịa chỉGiá tham khảo
KS La Dolce Vita Hà Nội 3*53 đường Hàng Bồ990.000đ/phòng/đêm
KS Church Boutique Hàng Gai 3*95 Hàng Gai863.000đ/phòng/đêm
KS Movenpick Hà Nội 4*83A Lý Thường Kiệt1.841.000đ/phòng/đêm
KS Silk Path Hà Nội 4*195-199 Hàng Bông2.422.000đ/phòng/đêm
KS Sofitel Legend Metropole Hanoi Hotel 5*Số 15, Phố Ngô Quyền3.027.000đ/phòng/đêm
KS Hilton Hanoi Opera Hotel 5*Số 1, Phố Lê Thánh Tông1.200.000đ/phòng/đêm

4. Những địa điểm du lịch phố cổ Hà Nội bạn không thể bỏ lỡ

Hồ Hoàn Kiếm

Địa điểm du lịch Hà Nội đầu tiên bạn nhất định nên ghé tới ở khu vực phố cổ chính là hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm). Có thể nói đây chính là trái tim của thủ đô ngàn năm văn hiến. Hồ Gươm với làn nước xanh biếc, xung quanh là những hàng cây rủ bóng xuống mặt nước tạo nên một vẻ đẹp thật lãng mạn.

Khuôn viên xung quanh hồ còn có tháp Rùa, tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Không chỉ có vậy, hồ Hoàn Kiếm còn gắn liền với truyền thuyết Rùa thần đòi gươm. Tất cả hòa quyện với nhau, tạo nên một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, chứa đầy ý nghĩa lịch sử.

Ảnh: Sưu tầm

Đặc biệt, vào mỗi tối thứ 6, thứ 7, chủ nhật hàng tuần, xung quanh hồ có phố đi bộ với nhiều hoạt động thú vị như: chợ đêm, biểu diễn ca nhạc, nhiều trò chơi dân gian,… Nếu có dịp du lịch phố cổ Hà Nội vào cuối tuần hãy ghé qua bạn nhé.

Nhà cổ Mã Mây

  • Địa chỉ: 87 Mã Mây, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 08:00 – 20:00
  • Giá vé tham quan: 10.000đ/người

Đây là một địa điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng, hấp dẫn nhiều du khách tham quan. Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XIX và được thay chủ rất nhiều lần. Nhà có diện tích lên tới 157,6m2 với chiều dài đất là 28m, mặt tiền 5m, được xây dựng vuông góc với đường phố.

nha co ma may

Ảnh: Sưu tầm

Đến với căn nhà này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc cổ độc đáo đậm chất Hà Nội. Bên cạnh đó, bạn sẽ hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân Hà Thành trước kia. Có lẽ một Hà Nội xưa thu nhỏ sẽ ùa về trong bạn qua từng câu chuyện, từng đồ vật trong nhà.

Đền Bạch Mã

  • Địa chỉ: 76 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 09:00 – 17:30

Điểm đến tiếp theo khi đi du lịch phố cổ Hà Nội hấp dẫn nhiều du khách tham quan đó là đền Bạch Mã. Ngôi đền là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, được xây dựng từ thế kỷ thứ IX. Đây là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh quan trọng với người Hà Nội.

Ảnh: Sưu tầm

Phần lớn đền được xây dựng từ gỗ lim và có lối điêu khắc chạm trổ tinh xảo, nhuốm đậm dấu ấn kiến trúc triều Nguyễn. Du khách sẽ thăm sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nơi đây, cũng như cầu tài lộc, bình an cho gia đình và người thân.

Chợ Đồng Xuân

  • Địa chỉ: 15 Cầu Đông, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 06:00 – 18:00

Đây là khu chợ lâu đời nhất tại Hà Nội, được xây dựng từ năm 1889 bởi người Pháp. Trong chợ có đầy đủ các loại mặt hàng từ: quần áo, đồ ăn, đồ tiêu dùng,… Vì là chợ bán buôn, do đó, nếu mua sỉ với số lượng lớn bạn sẽ có mức giá khá tốt. Ghé tới chợ Đồng Xuân bên cạnh việc mua sắm, du khách cũng sẽ hiểu thêm về văn hóa buôn bán, kinh doanh ở đây.

Ảnh: Sưu tầm

5. Du lịch phố cổ Hà Nội ăn gì?

Không chỉ có nhiều điểm đến hấp dẫn, phố cổ Hà Nội còn là “thiên đường ẩm thực” chắc chắn sẽ khiến mọi du khách phải mê mẩn không rời. Đồ ăn thì có rất nhiều, thế nhưng ăn món gì ngon, ăn ở đâu mới chuẩn “như người Hà Nội” thì không phải ai cũng biết.

Dưới đây Halo sẽ gợi ý cho bạn những đặc sản ẩm thực khi đi du lịch phố cổ Hà Nội bạn nhất định nên thử. Đảm bảo ăn là mê luôn!

  • Bún chả Hàng Quạt: Ngõ 74 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Bún thang Cầu Gỗ: 48 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Bún ốc ngõ chợ Đồng Xuân: Ngõ chợ Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Chả cá Lã Vọng: 14 Chả Cá, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Phở Bát Đàn: 49 Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Phở Lý Quốc Sư: 10 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Nộm phố Hàm Long: 25 Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Chè bốn mùa Hàng Cân: Số 4 Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Trà chanh nhà thờ
  • Café Giảng: 39 Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ảnh: Sưu tầm

Nhìn chung, các món ăn của Hà Nội rất đậm đà, được chết biến công phu, mang nét đặc trưng riêng. Giá cả đồ ăn cũng không quá cao và chất lượng thì chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng đâu.

Gợi ý: Địa chỉ các món ngon phố cổ vạn người mê

6. Mua gì khi đi du lịch phố cổ Hà Nội

Đi du lịch phố cổ Hà Nội, bạn cũng có thể kết hợp mua quà cho người thân, bạn bè. Ở khu vực này tập trung hầu hết đặc sản nổi tiếng, vì vậy, bạn sẽ có nhiều lựa chọn cho mình đó. Một vài món quà mang hương vị Hà Nội, ý nghĩa du khách có thể tham khảo đó là:

  • Ô mai Hồng Lam: 11 Hàng Đường, Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giò chả Ước Lễ: Số 9 Hàng Bông, Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Bánh cốm, bánh phu thê Hàng Than: Số 11 Hàng Than, Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội
  • Mứt sen trần: Số 11 Hàng Đường, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Lạc rang húng lìu Bà Triệu: 176 Bà Triệu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Bánh Chả: 22 Hàng Điếu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ảnh: Sưu tầm

Có thể bạn chưa biết: Thiên đường mua sắm tại chợ đêm phố cổ Hà Nội

7. Một số lưu ý khi du lịch phố cổ Hà Nội

Ngoài ra, khi đi du lịch phố cổ Hà Nội, bạn cũng nên lưu ý một số điểm sau để có chuyến đi suôn sẻ, trọn vẹn nhất:

  • Giữ gìn vệ sinh công cộng, không xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng tới cảnh quan chung.
  • Khi mua đồ hay ăn uống ở đâu, bạn nên hỏi giá trước để tránh bị “chặt chém”. Đặc biệt, bạn nên tránh đi mua hàng vào sáng sớm. Bởi nếu chỉ hỏi giá mà không mua, một vài chủ cửa hàng sẽ có thái độ không vui vẻ đâu.
  • Đừng quên đem theo các vật dụng cần thiết như điện thoại, thẻ ATM, tiền mặt,… bên người khi ra đường nhé.

Ảnh: Sưu tầm

8. Gợi ý lịch trình du lịch phố cổ Hà Nội 1 ngày

Buổi sáng:

  • Ăn sáng tại khu vực ngõ chợ Đồng Xuân.
  • Tham quan các địa điểm: chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, đền Kim Ngân

Buổi trưa:

  • Ăn trưa tại khu vực Hàng Buồm
  • Sau đó bạn có thể đi cafe nghỉ ngơi và chill một lúc

Buổi chiều:

  • Tham quan hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn
  • Ở đây bạn có thể dành chút thời gian chụp hình lưu niệm
  • Tiếp đó, du khách có thể làm cho mình một mini food tour ăn vặt tại các phố xung quanh hồ như: Định Liệt, Hàng Trống, Nhà Thờ,…

Ảnh: Sưu tầm

Buổi tối:

  • Ăn tối
  • Sau đó khám phá dãy phố Hàng Ngang, Hàng Đào về đêm.

Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm du lịch phố cổ Hà Nội từ A-Z mà Halo muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng rằng, nếu có dịp ghé thăm thủ đô xinh đẹp, bạn sẽ có một chuyến khám phá phố cổ thật vui và đáng nhớ!

Tham khảo thêm kinh nghiệm du lịch tại: BLog Du Lịch Phượt 3 Miền

Bài viết bạn có thể quan tâm:

Sunday, November 29, 2020

Nhà hát Lớn Hà Nội - kiến trúc châu Âu giữa thủ đô hoa lệ

Nhà hát Lớn Hà Nội từ lâu đã trở thành “linh hồn” của thủ đô. Tham quan nhà hát là trải nghiệm tuyệt vời để bạn khám phá kiến trúc độc đáo và lịch sử hơn 100 năm của nhà hát. Hãy cùng Halo Travel dạo quanh một vòng nhà hát mỹ lệ này nhé!

1.Địa chỉ nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát có vị trí đắc địa tọa lạc ở số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Đây là địa điểm được tham quan nhiều nhất khi đi du lịch Hà Nội.

Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong hệ thống rất nhiều nhà hát của thủ đô. Nơi đây có lịch sử xây dựng từ năm 1901, cho đến nay đã trở thành trung tâm văn hóa của thủ đô Hà Nội. Nhà hát không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động ca múa nhạc, hòa nhạc, giao lưu văn nghệ mà còn là địa điểm tham quan yêu thích của khách trong và ngoài nước.

nha hat lon ha noi 1

Ảnh: @ quynhkew

2. Hướng dẫn chỉ đường đến Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn nằm ngay ở trung tâm thành phố nên vô cùng tiện lợi cho du khách tới tham quan. Bạn chỉ cần đi dọc Hồ Hoàn Kiếm, rẽ vào đường Đinh Tiên Hoàng. Sau đó tiếp tục đi đường Lê Lai, rẽ sang Lý Thái Tổ, vượt qua vòng xoay là đến Nhà hát Lớn Hà Nội.

Điều độc đáo là bạn hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe bus 2 tầng từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để đến Quảng trường Nhà hát Lớn. Giá vé xe bus rất rẻ và bạn còn có cơ hội được bao quát toàn bộ vẻ đẹp của đường phố Hà Nội trong tầm mắt.

Tham khảo: Lịch trình các tuyến buýt Hà Nội

nha hat lon ha noi 2

Ảnh: @ _bythaonee

3. Lịch sử nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn là một phiên bản thu nhỏ của nhà hát Opéra Garnier ở Paris. Công trình này được xây dựng trong vòng 10 năm, từ 1901 – 1911. Ban đầu nhà hát chuyên phục vụ các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đến năm 1995, nhà nước quyết định tu bổ nhà hát với vốn đầu tư 156 tỷ đồng để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ. Vốn của đợt tu bổ này là 156 tỷ đồng. Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và Hoàng Đạo Kính là hai người chủ đạo đảm nhiệm vai trò to lớn này.

Tính đến nay, nhà hát Lớn đã có tuổi đời trên 100 năm. Nơi đây không chỉ mang kiến trúc đồ sộ mà còn diễn ra rất nhiều hội thảo, hội nghị… mang tầm vóc quốc tế của nước ta.

Diện tích nhà hát lên tới 2.600 m2 chia làm 3 tầng rộng lớn. Hiện tại nhà hát vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc tiêu biểu của thời kì Pháp thuộc.

Sau 100 năm đưa vào sử dụng, công trình lớn mà Chính quyền thực dân Pháp xây dựng trong những năm đầu thế kỷ 20 vẫn giữ được các đường nét kiến trúc trước đây. Quá trình xây dựng nhà hát là một câu chuyện lịch sử dài mà bạn sẽ được hướng dẫn viên kể lại tận tình khi tới thăm quan nơi này. Đừng bỏ lỡ câu chuyện lí thú về phần mái lợp phiến thạch, những đường nét trang trí sơn so thiếp vàng, từng bậc cầu thang… bạn nhé!

nha hat lon ha noi 3

Ảnh: @ pthhuyenn_

4. Kiến trúc độc đáo của nhà hát Lớn Hà Nội

Khi bước chân vào sảnh chính bạn sẽ thấy một cầu thang hình chữ T trước mặt. Tất cả đèn chùm trang trí trong nhà hát đều được mạ vàng theo lối cổ điển rất rõ. Bạn cứ đi dọc cầu thang, vượt qua những ánh đèn lung linh là đến  phòng khánh thiết (phòng gương) ở tầng 2. Đây là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của Chính phủ. Các chương trình nghệ thuật thính phòng hay họp báo cũng thường xuyên được tổ chức trong phòng này. Điều độc đáo là sàn phòng được thiết kế theo kĩ thuật Mozaic của Italia. Trên tường có nhiều tấm gương lớn và đèn chùm độc đáo đúng chất cổ điển Pháp.

Bên trong nhà hát là khán phòng lớn chia làm ba tầng. Sức chứa của khán phòng tối đa là 870 người. Sau ánh đèn sân khấu là phòng quản trị và thiết kế 18 buồng hóa trang cho diễn viên, phòng tập, phòng họp và thư viện.Tất cả kiến trúc của nhà hát đều được mô phỏng theo kiến trúc nhà hát châu Âu thế kỉ XX.

Nếu đi dọc hành lang bạn sẽ thấy những khung ảnh trưng bày hiện vật và những bức hình liên quan đến sự phát triển của nhà hát Lớn. Với kiến trúc độc đáo số 1, nơi đây đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia.

Ngày nay, nhà hát khoác trên mình màu sác vàng đậm càng làm nổi bật nét kiến trúc đồ sộ hiếm có.

anh 4

Ảnh: @ _its.iris__

5. Giá vé tham quan nhà hát Lớn Hà Nội

Gần đây nhà hát lớn chính thức mở cửa đón chào khách tới tham quan. Giá vé là: 400.000 đồng/ người lớn, 200.000 đồng/ trẻ em. Thời gian tham quan quy định chỉ kéo dài 90 phút.

Tới nhà hát Lớn bạn sẽ được hướng dẫn viên thuyết trình những nét độc đáo về lịch sử và kiến trúc của nhà hát. Nếu bạn thích tự do hoàn toàn có thể tự mình khám phá và chụp ảnh ở bất kì góc nào.

Bạn lưu ý là nhà hát chỉ đón khách từ thứ 2 và thứ 6 hàng tuần thôi nhé! Bạn có thể chọn rất nhiều món quà nho nhỏ tặng người thân ở khu bán đồ lưu niệm. Đồ ở đây rất xinh xắn và giá thành thì siêu rẻ!

anh 5

Ảnh: @  haoduhi

Hà Nội có vô vàn địa điểm đẹp đang chờ bạn khám phá. Một trong số đó là nhà hát Lớn Hà Nội nằm ngay trên phố Tràng Tiền. Nhân tiện bạn hãy đi dạo quanh Hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền, mua sách Đinh Lễ…Chúc bạn có thêm nhiều kỉ niệm để thêm yêu Hà Nội nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Check in làng hoa Tây Tựu, địa điểm cực chất dành cho team sống ảo

Làng hoa Tây Tựu – Một trong những làng nghề trồng hoa truyền thống nổi tiếng tại Hà Nội. Những năm gần đây, nơi này trở thành điểm checkin ngay gần Hà Nội quen thuộc của team sống ảo.

1. Giới thiệu chung về làng hoa Tây Tựu

Làng hoa Tây Tựu ở đâu?

  • Địa chỉ: Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Làng hoa Tây Tựu là ngôi làng có truyền thống văn hóa, sản xuất và cung cấp hoa tươi lâu đời cho nội thành Hà Nội. Địa điểm này cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 13km nên khá thuận lợi cho du khách đến tham quan chụp ảnh.

Nghề trồng hoa ở Tây Tựu được hình thành từ năm 1930, nhưng đến đầu những năm 90, người dân nơi đây mới bắt đầu tập trung trồng hoa nhiều hơn. Suốt gần 100 năm làm nghề đến năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh là làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Với tổng diện tích hơn 200ha, các vườn hoa Tây Tựu trồng nhiều loài hoa đa dạng khác nhau như: hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa ly, hoa violet, hoa thược dược,…

lang hoa tay tuu

Ảnh: @mphgtr1h

2. Cách di chuyển 

Lựa chọn hồ Hoàn Kiếm là điểm xuất phát, để tới làng hoa Tây Tựu bạn đi theo hướng đến đường Hồ Tùng Mậu. Sau đó bạn đi hết đường Hồ Tùng Mậu rồi đến đường 32 để tới ngã tư Trạm Trôi. Tại đây bạn di chuyển đến gần trường Cao Đẳng Công Nghiệp thì rẽ phải, đi tiếp khoảng 2km bạn sẽ thấy những cánh đồng hoa rộng lớn và đó là điểm đến của bạn.

lang hoa tay tuu

Ảnh: Google maps

Ngoài ra bạn có thể lựa chọn xe buýt với điểm dừng là nhà văn hóa Yên Nội, từ đây bạn đi bộ khoảng 600m là đến làng hoa. Một vài tuyến xe buýt Halo cập nhật giúp bạn: 20B, 19, 21 hoặc 57.

3. Thời điểm thích hợp đến làng hoa 

Nên tham quan làng hoa Tây Tựu vào thời điểm nào để có thể chiêm ngưỡng được nhiều loài hoa đẹp nhất là băn khoăn của không ít du khách. Chính vì vậy Halo sẽ bật mí cho bạn thời gian lý tưởng nhất để ghé làng hoa này là khoảng thời gian tháng 11, tháng 12 âm lịch. Bởi đây là lúc người dân Tây Tựu đang chuẩn bị hoa cho dịp Tết nên bất kể khu vườn nào cũng ngập tràn muôn sắc hoa.

thoi diem

Ảnh: @lana.anhanh

4. Khám phá làng hoa Tây Tựu

Đắm chìm trong sắc màu ngập tràn của các loài hoa

Có lẽ bất kỳ du khách nào ghé làng hoa này cũng không khỏi ấn tượng với một không gian rộng lớn, bao chùm với đủ các loài hoa. Đặc biệt, du khách còn cảm nhận được nét bình yên, chân chất của vùng quê ngoại thành với muôn màu khoe sắc.

Mặc dù không được ưu ái về thời tiết nhưng nơi đây vẫn có đủ các chủng loại hoa và đất đai màu mỡ nên có thể trồng nhiều loài hoa quý với số lượng lớn.

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội thì thời điểm đẹp nhất trong ngày được xem là lý tưởng để đến làng hoa là sáng sớm hoặc buổi chiều. Tùy nhiên, vào từng thời điểm làng hoa có vẻ đẹp khác nhau. Nếu sáng sớm là những giọt sương long lanh còn đọng lại trên cành hoa thì buổi chiều ánh hoàng hôn xuống chiếu vào tạo ánh sáng e ấp đầy huyền bí.

sac hoa

Ảnh: @mingde80

Điểm sống ảo cùng muôn sắc hoa

Đến làng hoa Tây Tựu bạn đừng quên lưu lại cho mình những bức ảnh đẹp với đủ các loài hoa ở đây nhé. Dù là góc nào bạn cũng dễ dàng bắt kịp cho mình những bức ảnh xịn sò, siêu chảnh rồi.

lang hoa tay tuu

Ảnh: @mactamdi25

5. Những lưu ý cho chuyến tham quan của bạn

  • Bạn không nên tự ý ngắt, hái hoa.
  • Chú ý khi chụp ảnh lựa chọn vị trí phù hợp, tránh giẫm vào làm hỏng hoa nhé.
  • Là làng nghề trồng hoa, nên muốn chụp ảnh tại vườn hoa nào, bạn đừng quên hỏi ý kiến chủ vườn trước nhé.
  • Bạn nhớ chuẩn bị những dụng cụ như: máy ảnh, gậy tự sướng và pin dự phòng để tha hồ checkin sống ảo.

Bài viết trên đây là tất tần tật những kinh nghiệm tham quan làng hoa Tây Tựu mà Halo chia sẻ cho bạn. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm cho mình nhiều thông tin hữu ích cho chuyến đi nhé!

Những vườn hoa nổi tiếng tại Hà Nội

Dinh Hoàng A Tưởng – địa điểm checkin hot nhất thị trấn Bắc Hà

Du lịch Sapa khó có thể nào cưỡng được vẻ đẹp quyến rũ của thị trấn Bắc Hà. Một trong những địa điểm sống ảo được các bạn trẻ yêu thích nhất là Dinh Hoàng A Tưởng. Nơi đây không chỉ mang giá trị kiến trúc độc đáo mà còn ẩn giấu câu chuyện lịch sử lí thú. Hãy cùng Halo Travel khám phá những điều kì thú ở Dinh Hoàng A Tưởng nhé!

1.Địa chỉ Dinh Hoàng A Tưởng ở đâu?

Dinh thự Hoàng A Tưởng là lâu đài nổi bật nhất ở thị trấn Bắc Hà. Dinh thự được xây dựng từ những năm Pháp thuộc nhưng vẫn giữ nguyên được sự hòa quyện giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây độc đáo. Bạn sẽ vô cùng bất ngờ khi biết rằng công trình có tuổi đời hàng trăm năm này ẩn chứa câu chuyện cổ về vua Mèo Bắc Hà nổi tiếng.

Nếu bạn đi du lịch Sapa thì có thể đến khám phá Dinh Hoàng A Tưởng vào bất kì thời điểm nào trong năm. Nhưng kinh nghiệm là bạn nên đi vào mùa xuân thì bao quanh dinh thự là một rừng mận trắng xóa cả núi đồi đẹp như miền cổ tích.

Hoặc bạn cũng có thể đợi đến mùa mận chín là tháng 5 hàng năm để thăm quan những vườn mận sai trĩu quả. Nếu bạn tới đây vào ngày 7/7 âm lịch còn có cơ hội tham dự lễ hội Đua ngựa hấp dẫn chưa từng có.

dinh hoang a tuong 1

Ảnh: @ p.h.u.o.n.g.d.i

2. Hướng dẫn đường đi Dinh Hoàng A Tưởng

Hiện nay các tour đi du lịch Sapa hầu như đều đưa Dinh Hoàng A Tưởng vào danh sách những địa điểm tham quan kì thú. Thị trấn Bắc Hà nằm cách Lào Cai khoảng 70km, cách thị trấn Sapa khoảng 103km  nên nếu muốn tới đây bạn nên thuê xe taxi hoặc xe khách dẫn đường. Nếu muốn đi xe máy bạn phải đi dọc theo QL4D, rẽ sang QL 70, rồi tiếp tục đi đường ĐT153 mới lên đến thị trấn Bắc Hà. Sau đó, bạn phải hỏi thăm thêm người dân địa phương thì mới đến được dinh thự. Con đường này có nhiều khúc quanh co, hiểm trở nên bạn hãy chú ý nhé.

dinh hoang a tuong 2

Ảnh: @ nanau187

3. Giới thiệu về Dinh Hoàng A Tưởng

Dinh thự Hoàng A Tưởng còn có tên gọi khác là lâu đài Hoàng Yến Chao. Đây là cơ ngơi của địa chủ Hoàng Yến Chao khét tiếng dưới thời Pháp thuộc sinh sống tại Bắc Hà. Dinh thự được xây dựng từ năm 1914, nhưng đến 7 năm sau mới hoàn thành nên vô cùng hoành tráng. Tổng diện tích của công trình này lên tới 1000m2, 4 bề xung quanh đều là tường thành kiên cố khó xâm nhập.

Tương truyền, Hoàng Yến Chao là một tên quan lại cai quản cả một vùng. Ông là người Tày nhưng quản lý vùng sinh sống chủ yếu là người Mông, nên được người dân gọi là vua Mèo Hoàng Yến Chao. Hoàng A Tưởng thực chất là tên một trong số các con trai của ông, sau được nhân dân lấy làm tên đặt cho dinh thự.

Trong giai đoạn 1905 – 1950, ông đã lấn chiếm các vùng đất màu mỡ để khai hoang. Ông còn là người buôn bán độc quyền các mặt hàng gạo, muối, thuốc phiện nên vô cùng giàu có. Sau lưng của Hoàng Yến Chao còn có sự chống đỡ của thực dân Pháp nên ông không ngại bóc lột của cải của nhân dân và xây nên dinh thự bề thế bậc nhất Bắc Hà này.

Ban đầu dinh thự được làm nơi sinh sống của Hoàng Yến Chao cùng với gia đình. Về sau dinh thự bị bỏ hoang và trở thành địa điểm du lịch hot nhất Bắc Hà.

>>> Tham khảo: Các địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch Sapa tháng 1, 2 ,3

dinh hoang a tuong 3

Ảnh: @vungoc.duyen

4. Kiến trúc độc đáo của dinh Hoàng A Tưởng Sapa

Dinh Hoàng A Tưởng mang vẻ đẹp trầm mặc giữa cao nguyên Bắc Hà. Dinh thự được xây cất trên quả đồi rộng lớn, xung quanh được che chắn bởi hai ngọn núi. Khung cảnh non nước hữu tình càng làm cho sức hút của dinh thự thêm lan rộng.

Nếu tinh ý bạn có thể thấy từng viên gạc ngói ở lầu son gác tía này cũng được thiết kế tỉ mỉ. Tất cả đều mang kiến trúc Pháp nổi bật. Kết cấu của dinh thự bao gồm: phòng chờ, sân tổ chức lễ hội, vui chơi, sau đó mới đến khu chính để nghỉ ngơi của vua Mèo Bắc Hà.

Diện tích của khu chính rộng tới 420m2 được kết cấu thành 2 tầng, mỗi tầng 3 gian rộng lớn. Phía bên dưới đất còn có mật thất làm nơi lưu trú và thoát hiểm khi cần thiết. Tất cả các cửa nhà hình vòm đều mang đậm nét kiến trúc châu Âu thế kỉ XX. Bên ngoài mặt tiền của khu chính còn được tô điểm bằng vô vàn họa tiết tỉ mỉ hiếm có.

Mặc dù đã hơn 100 năm trôi qua, dinh thự giờ cũng phủ rêu bạc màu nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp cổ điển kì lạ. Đây vẫn là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

>>> Khám phá: Khu du lịch Thác Bạc Sapa – Điểm dừng chân không thể bỏ lỡ của các cặp đôi

anh 4

Ảnh: @ thao.be.nho

5. Tham quan mô hình nấu rượu ngô truyền thống

Không chỉ ấn tượng bởi những họa tiết kiến trúc độc đáo như: hình ảnh hoa lá trang trí, cửa lan can hình vòm, cầu thang xoắn ốc… mà nơi đây còn rất cuốn hút bởi mô hình nấu rượu ngô đằng sau dinh thự. Bạn sẽ được chứng kiến tận mắt nghề nấu rượu ngô truyền thống của người dân bản địa. Nếu bạn muốn còn có thể nhấm nháp thịt trâu gác bếp cùng ly rượu ngô thơm lừng. Đây không chỉ là một đặc sản mà còn là nét đẹp văn hóa – truyền thống tuyệt vời của người dân miền núi Tây Bắc.

Bên cạnh đó còn là khu trưng bày những tác phẩm, kỉ vật lịch sử của người Dao, Mông, Tày… rất cuốn hút. Bạn có thể mua rất nhiều đồ thủ công của người dân bản địa tạo nên. Đó là những tấm vải thổ cẩm dệt khéo léo, vòng bạc, váy, khăn… Cái gì cũng nhỏ nhắn, xinh xinh mà giá thì siêu rẻ.

anh 5

Ảnh: @nguyenkhaitrung

Dinh Hoàng A Tưởng là điểm đến thú vị cho những ai yêu thích vẻ đẹp của thị trấn Bắc Hà. Dinh thự cho đến nay trở thành điểm đến check – in cực hot của các bạn trẻ ưa khám phá! Nếu có dịp đi du lịch Sapa bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được tham quan dinh thự có một không hai này nhé!

Có thể bạn chưa biết:

Set kèo rủ hội bạn đến My Hill Sóc Sơn lập team "oanh tạc" cực đã

Bạn đã quá chán ngán với sự chật chội, tấp nập của Thủ Đô? Bạn muốn cùng bạn bè đổi gió khám phá những vùng đất thiên nhiên thơ mộng và rinh về những bộ ảnh chanh sả nhất? Vậy My Hill Sóc Sơn là địa điểm dành cho bạn. 

1. My Hill Sóc Sơn Hồ Đồng Quan ở đâu?

Khu du lịch sinh thái My Hill Sóc Sơn nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa khoảng 40 km, thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Địa điểm du lịch này nằm ngay cạnh hồ Đồng Quan nên còn được gọi là khu du lịch hồ Đồng Quan. My Hill Sóc Sơn được bao bọc xung quanh với khu rừng thông xanh mướt với tổng diện tích lên đến hơn 1 ha.

my hill soc son

Ảnh: @maimie

Bên cạnh núi non thơ mộng là thảm thực vật đa dạng, độc đáo trong những ngọn núi quanh hồ Đồng Quan tạo nên một quang cảnh thiên nhiên tuyệt vời và hiếm có. Đây là địa điểm du lịch gần Hà Nội thích hợp để các bạn trẻ có thể lập nhóm picnic cùng nhau rất là lý tưởng. Nếu bạn đang có kế hoạch đi du lịch Hà Nội tự túc thì đừng bỏ qua địa điểm này nhé.

2. Cách di chuyển tới khu du lịch

Vì khoảng cách từ trung tâm thành phố Hà Nội đến My Hill Sóc Sơn không quá xa, nên bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển của mình bằng xe máy hoặc xe buýt đều rất thuận lợi. Tuy nhiên để có một chuyến đi hoàn hảo nhất và bạn có thể chủ động trong mọi hoàn cảnh cũng như có cơ hội tận mắt để ngắm nhìn những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và mới lạ, thì di chuyển bằng xe máy sẽ là lựa chọn hợp lý nhất.

my hill soc son

Ảnh: @maii.1102

Nếu bạn di chuyển đến My Hill Sóc Sơn bằng xe máy, thì bạn nên đi theo hướng đường cao tốc Nội Bài sẽ rất là dễ đi và an toàn. Con đường cao tốc này rất rộng và có biển chỉ dẫn nên bạn chỉ mất khoảng 60 phút di chuyển là có thể đến được khu sinh thái Đồng Quan

Còn đối với các bạn sinh viên không có phương tiện riêng thì có thể đi bằng xe buýt. Bạn nên tới bến xe Nam Thăng Long để bắt xe buýt số 56 hoặc xe buýt số 15 để di chuyển tới My Hill Sóc Sơn nhé.

3. Giá vé tại khu du lịch

Giá vé vào khu du lịch My Hill Sóc Sơn cho bạn tham khảo như sau:

  • Đối với du khách tham quan, vui chơi trong ngày giá vé là: 45.000VNĐ/khách.
  • Với những du khách muốn cắm trại qua đêm thì giá vé là: 55.000VNĐ/khách.

Ngoài ra tại đây còn có dịch vụ cho thuê lều, trại, các đồ dùng hay vật dụng cần thiết. Bạn có thể tham khảo giá trực tiếp tại cửa hàng, vì giá cả ở đây vô cùng hợp lý.

4. My Hill Sóc Sơn có gì?

Khám phá không gian xanh trong lành

Khu du lịch My Hill Sóc Sơn nằm ngay gần hồ Đồng Quan thuộc khu vực quy hoạch của hồ Hàm Lợn và gần Việt Phủ Thành Chương… Ngay từ cổng vào du khách sẽ được chiêm ngưỡng con đường thơ mộng với 2 hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Cùng tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành tránh xa mọi xô bồ của chốn thành thị ồn ào.

my hill soc son

Ảnh: @linh_leona_ita

Với diện tích rừng thông lên đến 1 ha bao bọc hoàn toàn xung quanh khu du lịch bạn không chỉ được ngắm cảnh, mà còn được trải nghiệm những hoạt động thú vị như câu cá, tổ chức các hoạt động teambuilding… Và đặc biệt giữa phong cảnh tuyệt đẹp và lãng mạn đó các bạn sẽ được thỏa thích chụp hình sống ảo, với những bức hình cực chất tại đây.

Ảnh: @usdmillionaire99

Tổ chức cắm trại cực chill

Đến với khu du lịch bạn có thể tổ chức buổi cắm trại tại những chòi sát hồ Đồng Quan Sóc Sơn. Tại My Hill hồ Đồng Quan có đầy đủ dịch vụ quạt, điện cho những nhóm bạn thỏa sức ăn chơi. Ở đây cũng có cung cấp dịch vụ cho thuê lều trại qua đêm, các dụng cụ nấu nướng, sinh hoạt với giá cả hợp lý. Tuy nhiên bạn cũng có thể mang theo nước uống, các nguyên liệu cần thiết để tổ chức tiệc nướng.

Ảnh: @hoangyennnnn

Nếu bạn nghỉ qua đêm thì hãy đừng bỏ lỡ khoảnh khắc trải nghiệm đón bình minh trên đồi Ông Cọc. Khi đi lên tới đỉnh bạn sẽ được ngắm trọn toàn cảnh hồ Đồng Quan hùng vĩ và vô cùng choáng ngợp, các bạn sẽ thỏa sức sống ảo với những bức hình đẹp sang chảnh.

5. Ăn gì tại My Hill hồ Đồng Quan?

Là địa điểm du lịch gần Hà Nội nhưng khá biệt lập, các khu ăn uống ở khá xa nên các bạn nên chuẩn bị đồ ăn mang đi cho cả nhóm. Tụ tập nướng đồ và thưởng thức những món ăn tự tay làm cùng những người bạn chắc chắn là trải nghiệm đáng nhớ và vô cũng thú vị của bất cứ ai khi đến đây.

my hill soc sonẢnh: @cknguyen96

6. Một số kinh nghiệm đi My Hill Sóc Sơn

  • My Hill Sóc Sơn chủ yếu lượng khách đổ về đông vào cuối tuần. Các bạn cũng có thể phượt My Hill – khu du lịch sinh thái hồ Đồng Quan vào những ngày trong tuần, tuy nhiên sẽ không được trải nghiệm trọn vẹn với các dịch vụ tại đây.
  • Khi đến đây hầu hết là các bạn sẽ tự phục vụ chính mình. My Hill sẽ chuẩn bị cho các bạn những vật dụng, đồ dùng cần thiết, còn chế biến và thu dọn sẽ dành cho các bạn tự làm với nhau.
  • Các bạn nên nhớ mang theo cả thuốc chống côn trùng vì đây là khu rừng sinh thái nên sẽ có thể có nhiều loại côn trùng khác nhau.

My Hill Sóc Sơn chính là địa điểm du lịch tuyệt vời ở gần Hà Nội dành cho các bạn vào dịp cuối tuần. Hãy đến với đây để trải nghiệm những phút giây thư thái, vui vẻ và hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng. Cùng nhau đến My Hill hồ Đồng Quan vui chơi và lưu lại với nhau những bức ảnh xịn sò nhất tại điểm ‘checkin’ nghìn view này nhé. Lập team và triển luôn nào!

Những địa điểm tương tự

Đền Bạch Mã - Ngôi đền cổ linh thiêng trong lòng Hà Nội

Đền Bạch Mã – ngôi đền cổ lâu đời còn lưu giữ những dấu ấn lịch sử của thủ đô. Với lối kiến trúc mang vẻ đẹp độc đáo từ thời xa xưa, nơi đây còn là chốn cầu may quen thuộc của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Cùng Halo khám phá xem đền Bạch Mã có gì thú vị nhé!

1. Sự tích đền Bạch Mã

  • Địa chỉ: 76 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: từ 8h00 – 11h00 và từ 14h00 – 20h00

Đền Bạch Mã là một ngôi đền trong Thăng Long Tứ Trấn, tọa lạc tại số 76 Hàng Buồm. Ngôi đền này được xây dựng từ thế kỷ thứ IX, là một di tích lịch sử vô cùng quan trọng và gắn liền với câu chuyện dời đô của vua Lý Thái Tổ. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) – vị thần gốc của Hà Nội xưa có công lớn trong việc làm thất bại các pháp thuật của viên quan đô hộ Cao Biền thời Bắc thuộc.

den bach ma

Ảnh: Sưu tầm

Hàng năm để tưởng nhớ công ơn của thần Long Đỗ, lễ hội đền Bạch Mã thường diễn ra vào ngày 12 – 13/3. Đây cũng là dịp mà du khách ghé đến đông đảo để tham quan, lễ đền và cầu may cho gia đình, người thân yêu.

den bach ma

Ảnh: Diệp Diệp

2. Hướng dẫn di chuyển đến đền

Để di chuyển đến đền, tùy vào hướng xuất phát của bạn để chọn tuyến đường phù hợp. Nếu bạn xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Nội bạn chỉ cần di chuyển 30 phút bằng ô tô cá nhân hoặc xe máy là đến. Tuyến đường Halo gợi ý cho bạn: Từ Nguyễn Thái Học → bạn đến Cửa Nam → rẽ vào phố Phùng Hưng, phố Hàng Vải → bạn di chuyển tiếp khoảng 2km là thấy đền Bạch Mã nhé.

Còn nếu bạn không có phương tiện riêng thì có thể bắt xe ôm, taxi hoặc xe buýt tuyến 18, 32 và 34. Thường xe buýt sẽ di chuyển lâu hơn phương tiện cá nhân và điểm dừng buýt của bạn là điểm xe buýt Trần Nhật Duật. Từ đây bạn chỉ cần đi bộ khoảng 500m là sẽ đến đền.

Ngoài ra với nhiều du khách xích lô cũng là phương tiện thuận lợi cho việc vừa tham quan đền vừa kết hợp vãn cảnh đường phố quanh bờ hồ cùng nhiều địa điểm gần đền Bạch Mã.

Xem thêm: bản đồ phượt quận Hoàn Kiếm

den bach ma

Ảnh: @celine_tan_

3. Kiến trúc cổ độc đáo

Đền Bạch Mã là ngôi đền có quy mô lớn, mang vẻ đẹp hoài cổ từ những bức tường đá rêu phong bên những bức tranh cổ kính. Qua nhiều thời đại, đền được trùng tu nhưng vẫn giữ phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nổi bật trong kết cấu kiến trúc của đền là toàn bộ khung nhà gỗ được thiết kế bằng cột gỗ lim lớn, các bộ vì đỡ mái được làm kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”.

Đặc biệt trên các côn gỗ, xà lách, xà ngang, các vì chồng rường đều có nhiều mảng trang trí với các đề tài phong phú cùng những họa tiết hoa văn sắc sảo, chắc khỏe. Ngoài ra, đền Bạch Mã còn là nơi lưu giữ nhiều di vật có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng, các vũ khí thời xưa,…

Tham khảo: #10 di tích lịch sử Hà Nội nhất định phải tới thăm

kien truc

Ảnh: @brianjy

4. Một số kinh nghiệm cho chuyến đi của bạn

  • Đền Bạch Mã là chốn linh thiêng, nên đến đây bạn cần chuẩn bị cho mình những trang phục phù hợp.
  • Hãy mang theo tiền lẻ để quyên góp, cầu may mắn cho bản thân, gia đình và bạn bè nhé.
  • Nếu bạn muốn đi lễ bạn hãy mua đồ từ nhà để tránh bị mua đắt và chặt chém.
  • Khi vào đền bạn chú ý đi nhẹ, nói khẽ, không cười lớn.

luu y

Ảnh: @Mi Tu

Trên đây là kinh nghiệm đến đền Bạch Mã cầu may mà Halo Travel đã chia sẻ cho bạn. Đừng quên lưu lại cho mình những thông tin quan trọng, cần thiết cho chuyến đi trọn vẹn nhé!

Khám phá những địa điểm thiêng liêng

Thư giãn cuối tuần với trải nghiệm tắm onsen Hà Nội

Tắm onsen – tắm nước khoáng nóng vốn là truyền thống của người dân Nhật Bản đang trở thành xu hướng hot ở Việt Nam. Tắm onsen hiện nay rất phổ biến ở Hà Nội. Bạn có tò mò tắm onsen là gì không? Hãy cùng Halo Travel tìm hiểu về loại hình tắm onsen và những địa điểm tắm onsen Hà Nội chất lượng nhất qua nội dung bài viết này nhé!

1. Giới thiệu về dịch vụ tắm onsen

Onsen trong tiếng Nhật nghĩa là Ôn tuyền. Hiểu một cách đơn giản nhất đây là hoạt động tắm suối nước nóng. Ở Nhật Bản có vô vàn suối nước nóng do đặc trưng có nhiều núi lửa hoạt động. Du lịch Nhật Bản cũng rất phát triển nhờ dịch vụ tắm onsen truyền thống.

Bạn sẽ được ngâm mình trong nhiệt độ nước nóng khoảng 38 – 41 độ C. Với độ nóng vừa phải kết hợp với những đợt sóng nước tự động sẽ giúp massage cơ thể tối đa, giãn nở lỗ chân lông, làm bạn sảng khoái cao độ.

Tắm onsen còn kết hợp với dịch vụ xông hơi sau đó là tắm lạnh đảm bảo bạn sẽ thích mê. Nhờ các chất khoáng có trong nước giúp cơ thể xua tan mỏi mệt, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về tuần hoàn máu, đau khớp, đua vai, căng cơ khớp, bầm tím… Vì vậy tắm onsen không chỉ là hình thức thư giãn thông thường mà còn rất tốt cho sức khỏe.

tam osen ha noi 1

Ảnh sưu tầm

2. Những bước tắm onsen đúng chuẩn Nhật Bản

2.1. Tắm tráng

Tắm tráng là hình thức chủ yếu sử dụng bể tắm ngoài trời. Một số nơi có bể tắm riêng dành cho nam hoặc nữ, thường là khu tắm nude. Tắm tráng có thể tắm trong bể đá, bể hang, bể chum với nền nhiệt khoảng 40 độ C.

Riêng với bể tắm tráng khoáng công cộng ngoài trời nam nữ có thể tắm chung và ngắm phong cảnh xung quanh. Lưu ý khi tắm tráng bạn không nên để nước dâng lên quá vai, vì áp lực nước có thể đè nặng lên cơ thể, không tốt cho người bị tim mạch và cao huyết áp.

Bạn đừng quên dùng khăn tắm để quấn trên đầu rất tiện lợi giúp giữ nhiệt cho cơ thể, thư giãn vùng đầu hay thấm mồ hôi ngay khi cần.

tam osen ha noi 2

Ảnh sưu tầm

2.2. Xông hơi nóng

Muốn tắm khoáng hiệu quả nhất bạn phải xông hơi để da sạch sẽ, các tinh chất sẽ dễ dàng thẩm thấu vào cơ thể. Thông thường các bể tắm onsen Hà Nội sẽ có tắm xông hơi thường, xông hơi đá muối hoặc thảo dược.

Phòng xông hơi thường sẽ có nền nhiệt độ khoảng 85 độ C nên bạn chỉ xông trong khoảng 15 phút là tốt nhất. Riêng xông hơi đá muối nền nhiệt chỉ khoảng 50 độ C giúp cơ thể đào thải độc tố nhờ nằm trên các mặt đá tự nhiên. Phương pháp này rất tốt để điều trị bệnh lý về xương khớp, đau đầu.

tam osen ha noi 3

Ảnh sưu tầm

Có thể bạn quan tâm: 

2.3. Xông hơi lạnh

Bước tắm onsen tiếp theo là xông hơi lạnh giúp se khít lỗ chân lông, cực kì có lợi cho da. Nền nhiệt độ chỉ khoảng 6 – 10 độ C nên bạn chỉ xông hơi khoảng 5 phút. Nếu bạn không chịu được nền nhiệt thấp thì nên yêu cầu nhân viên chỉnh nhiệt khoảng 18 độ C cũng giúp làm mát cơ thể, sảng khoái.

Chu trình tắm khoáng – xông hơi nóng – lạnh có thể được thực hiện đều đặn 2 – 3 lần liên tục. Tùy thuộc vào sức khỏe mà bạn nên cân nhắc thời gian tắm. Các phương pháp tắm kết hợp sẽ giúp kích thích thần kinh, giải tỏa stress, giúp cơ thể khỏe khoắn nhanh chóng. Hiện nay các cơ sở tắm onsen Hà Nội cũng thực hiện các bước tắm cơ bản như trên nhưng trình tự tắm khoáng – khô – lạnh có thể khác nhau.

anh 4

Ảnh sưu tầm

3. Một số địa chỉ tắm onsen tại Hà Nội

3.1. GenkiLand Onsen & Spa

  • Địa chỉ: 5C Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội
  • Website: genkiland.com
  • Facebook: https://www.facebook.com/GenkilandSpa/
  • Hotline: 0888 98 6556 – 024 6687 5118
  • Giá tham khảo: 180.000 đồng/ 1 tiếng trở lên

GenkiLand Onsen & Spa được biết đến là cơ sở tắm onsen Hà Nội sang trọng bậc nhất. Ở đây kết hợp tắm onsen với massage cơ thể. Cơ sở này cũng được các bà bầu vô cùng ưa thích bởi hoạt động tắm khoáng và massage thư giãn. Ngoài ra, bạn sẽ được chuyên viên massage vùng mặt, body và gan bàn chân riêng. Kinh nghiệm là bạn nên đi thư giãn vào những ngày trong tuần để bớt đông đúc.

anh 5

Ảnh: @Genkiland Osen & Spa

3.2. SHIO Spa

  • Địa chỉ: 107 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Điện thoại: 024 730 88 669 – 0965 176 266
  • Giờ mở cửa: 09h30 – 22h00
  • Giá tham khảo: 200.000 đồng/ 1 tiếng trở lên

SHIO Spa thực hiện các bước tắm tráng cơ thể theo truyền thống của người Nhật. Sau đó, Bạn sẽ được vào bể sục khoáng nóng khoảng 37 độ C. Tiếp tục bạn sẽ trải qua quá trình xông hơi với độ ẩm cực cao (100%) để đào thải hết các độc tố trong cơ thể. Độc đáo nhất ở đây là quá trình xông khô – tắm lạnh – xông khô đá muối Himalaya. Kết thúc quá trình tắm onsen sẽ có chuyên viên giúp bạn xông hơi bằng than hoạt tính được kết hợp từ đất sét Hoàng thổ và thuốc Bắc. SHIO Spa đảm bảo sẽ làm hài lòng những vị khách khó tính nhất. Các phòng xông hơi của Spa đều có các máy chuyên dụng hiện đại. Đặc biệt, dịch vụ massage siêu thư giãn trong không gian Nhật Bản thật khó quên.

anh 6

Ảnh sưu tầm

4. Lưu ý khi tắm onsen Hà Nội

Dưới đây là một số lưu ý cần thiết trước khi bạn tiến hàng tắm onsen Hà Nội:

  • Cơ sở tắm onsen Hà Nội vẫn còn rất ít nên bạn hãy tìm hiểu địa chỉ uy tín để thư giãn.
  • Trước khi tắm khoáng bạn không nên ăn quá no hoặc uống nhiều nước để tránh tình trạng đau dạ dày do tác động của dòng nước.
  • Hãy luôn chú ý đến cơ thể mình, nếu nước quá nóng hay quá lạnh so với mức chịu đựng của bạn, bạn cần yêu cầu nhân viên trợ giúp.
  • Kết thúc quá trình tắm onsen, bạn chỉ cần dùng khăn khô lau qua cơ thể, nghỉ ngơi và uống bù nước.
  • Bạn không cần phải tắm tráng lại sau khi tắm onsen để các khoáng chất tiếp tục thẩm thấu vào da và đem lại hiệu quả cao nhất.

Tắm onsen Hà Nội đang rất phát triển. Hoạt động này không chỉ giúp bạn thư giãn đơn thuần mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh lý. Nếu bạn đang muốn tìm một cơ sở tắm onsen uy tín hãy đến ngay địa chỉ do Halo Travel gợi ý nhé!

Bài viết bạn quan tâm:

Có gì ở Hồ Sapa khiến dân xê dịch rủ nhau checkin 'ầm ầm'?

Nhà thờ đá, đèo Ô Quy Hồ… đều là những cái tên quen thuộc với team Sapa. Có một điểm đến Sapa được ví như “thiên đường xanh” đó là hồ Sapa. Nếu bạn chưa nghe đến địa điểm du lịch Sapa này, cùng Halo theo dõi bài viết này nhé!

1. Định vị tọa độ hồ Sapa

Nếu ai đã từng phượt Sa Pa, chắc hẳn sẽ không quên hồ nước lớn trong lòng trung tâm thị trấn. Hồ Sapa nằm giữa ba con đường Ngũ Chỉ Sơn, Phạm Kim Đồng và Xuân Viên. Tuy không phải là hồ nước tự nhiên, nhưng bất cứ ai đi qua đây cũng phải nán chân lại ngắm nhìn.

Nhờ tọa lạc tại ví trí trung tâm, từ hồ Sa Pa du khách có thể dễ dàng di chuyển đến nhiều địa điểm checkin nổi tiếng.

vi tri ho sapa

Ảnh: Google Maps

2. Tìm hiểu về nguồn gốc của hồ Sapa

Được biết, hồ Sapa chính là công sức của người dân địa phương xây dựng. Để có được cảnh hồ đẹp như ngày nay, người dân đã phải trải qua quá trình khó khăn và khá là tốn kém. Họ nghĩ rằng công trình này chính là một điểm nhấn để đưa du lịch Sapa thêm phát triển.

Câu chuyện xây kè, đắp đập để tạo hồ có lẽ sẽ rất dài để kể hết. Bắt đầu từ bước lên kế hoạch, phác họa thiết kế, kè đê. Trước khi hoàn thành, công trình đã gặp sự cố bê tông chặn, giữ nước bị vỡ, nước tràn vào các hang. Bởi địa hình vùng núi có nhiều hang núi, muốn giữ nước cần có đất sét keo phù sa sông Hồng. Để trở được đất về, 30 con trâu khỏe cùng thanh niên trai làng kéo, bịt kín hang lỗ. Sau đó, người dân trồng hoa, trang trí cho hồ.

dia diem check in sapa

Ảnh: @ran_bate

3. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hồ Sapa 

Thời điểm tham quan hồ Sapa lý tưởng nhất là vào những ngày hè. Lúc này, nước hồ mang một màu xanh biếc, xung quanh là hàng liễu rủ điệu đà. Đặc biệt, do địa hình vùng cao, sáng sớm hoặc chiều tà, du khách có dịp nhìn thấy làn sương mờ ảo diệu phủ trên mặt hồ.

Tối đến, thị trấn lên đèn, phản chiếu xuống mặt hồ, ánh đèn lung linh màu sắc sống động lạ thường. Chọn một quán cafe view hồ, hay thưởng thức đồ nướng sapa bên đường quả là một ý tưởng tuyệt vời để ngắm hồ. Hay đơn giản chỉ là tản bộ cùng bạn bè, người thương cũng thấy vui rồi.

ho sapa dem ve

Ảnh: Sưu tầm

4. Địa điểm du lịch gần hồ Sapa 

STTTên địa điểmKhoảng cách
1Vườn hoa Hàm Rồng350 m
2Chợ tình Sa Pa700 m
3Cáp treo Fansipan Legend800 m
4Nhà thờ đá Sapa650 m
5Khu du lịch Cát Cát2.2 Km

du lich ho sapa

Ảnh: @haroonmh

Có thể nói hồ Sapa chính là niềm tự hào, “một phần không thể thiếu” của người dân địa phương. Khách du lịch tới Sa Pa ngoài việc check-in nhà thờ đá, sẽ dành thời gian tản bộ, ngồi ngắm hồ. Hằng năm, nhiều sự kiện du lịch, văn hóa cũng được tổ chức tại đây. Còn rất nhiều địa điểm du lịch đẹp, cập nhật thêm điểm đến Sa Pa từ Halo ngay. Chúc các bạn có một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm!

Bài viết bạn quan tâm: 

Mục sở thị Nhà thờ Hàm Long, khám phá kiến trúc độc đáo

Đối với một vài người, nhà thờ chỉ là nơi tôn vinh tín ngưỡng tôn giáo bình thường. Nhưng một nơi mang đậm nét cổ kính như phố cổ Hà Nội, nhà thờ đã trở thành nét văn hoá giá trị. Nhà thờ Hàm Long chính là nét văn hoá tôn giáo đặc sắc ấy. Đây vẫn luôn là niềm thu hút tín đồ Công giáo và du khách mê nét đẹp cổ kính Hà Nội. 

1. Giới thiệu về nhà thờ Hàm Long

  • Địa chỉ: 21 Hàm Long, P. Phan Chu Trinh, Q. Hai Bà Trưng, Thủ đô Hà Nội
  • Điện thoại: 024 3943 9559
  • Số Giáo dân: 7.280 giáo dân

Như đã nhắc đến, nhà thờ Hàm Long là một trong những nhà thờ lớn nhất ở Hà Nội. Với lối kiến trúc và xây dựng độc đáo, nhà thờ còn trở thành biểu tượng Giáo xứ Hà Nội. Bên cạnh đó, nét đậm đậm chất châu Âu cùng ẩm thực độc đáo xung quanh nhà thờ đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.

Nhà thờ được xây dựng với mục đích phục vụ cho tín ngưỡng tôn giáo của rất nhiều giáo dân tại thủ đô. Người xây dựng nên công trình đáng tự hào này chính là kiến trúc sư gốc Việt Doctor Thân. Ông từng du học tại Pháp. Có lẽ chính vì vậy mà nhà thờ mang nét kiến trúc phương Tây đặc trưng vô cùng độc đáo. Công trình nhà thờ Hàm Long được hoàn thành vào tháng 12/1934 với độ cao lên đến 17m.

Nhà thờ lấy thánh Antôn thành Padova làm quan thầy.

Một số linh mục phục vụ ở đây trong những thập niên vừa qua đã trở thành hồng y và Giám mục như: Hồng y Trịnh Như Khuê, Hồng y Trịnh Văn Căn, Hồng y Phạm Đình Tụng, Giám mục Giáo phận Hải Phòng Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương, Giám mục Thái Bình Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.

gioi thieu nha tho ham long

Ảnh: @vuonglam0000

Chi tiết giờ lễ tại Giáo xứ Hàm Long

Ngày làm lễGiờ làm lễNội dung chi tiết
Thứ 205:30 (06:30 mùa đông)Tối không có Lễ
Thứ 35:30 và 19:00Lễ tiếng Anh
Thứ 45:30 và 19:00
Thứ 55:30 và 18:30Lễ Thiếu Nhi, sau lễ Chầu Mình Thánh
Thứ 65:30 và 19:30Thứ sáu đầu tháng có lễ 15:30, tối Chầu Mình Thánh
Thứ 75:30 và 19:00Lễ Chúa Nhật
Chủ Nhật06:30, 08:30, 17:00, 19:00

2. Cách đi đến nhà thờ

Nhà thờ Hàm Long là một địa điểm toạ lạc ở ngay trung tâm thủ đô Hà Nội. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng nhiều hình thức khác nhau.

Nếu bạn đến nhà thờ bằng xe máy, bạn di chuyển từ Hàng Bài, sau đó rẽ sang Hàm Long. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến đây theo hướng Bà Triệu. Nếu bạn là khách du lịch, bạn có thể thuê các hãng taxi uy tín để di chuyển đến đây.

Nếu bạn muốn sử dụng phương tiện công cộng để thân thiện môi trường thì vẫn có cách nhé. Để đi đến nhà thờ, bạn có thể đi những tuyến xe bus số 23, 31, 32… Đây đều là những tuyến xe bus có điểm dừng chân gần khu vực Giáo xứ Hàm Long. Hơn nữa, đi xe bus sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Giá vé chỉ khoảng 7.000 đồng/ vé/ lượt.

Thông thường, nếu bạn là khách du lịch sẽ không thành thạo đường và khó tìm trạm xe bus. Bạn có thể dùng ứng dụng tìm bus để tra cứu nhé. Hoặc dùng ứng dụng bản đồ trên điện thoại để tìm và di chuyển đến trạm xe bus này.

Xem thêm: Lịch trình xe buýt của Hà Nội

huong dan di chuyen den nha tho ham long

Ảnh: @khanhhuy.tu.3

3. Nét độc đáo của nhà thờ 

Nhà thờ Hàm Long Hà Nội không có quy mô diện tích lớn và trang trí cầu kỳ như những nhà thờ khác. Tuy nhiên nơi đây lại có nét độc đáo so với với nhà thờ Thiên chúa ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Điểm độc đáo của nhà thờ đến từ sự đa dạng trong chất liệu xây dựng và kiến trúc.

Chất liệu xây dựng độc đáo ở đây được lấy trong dân gian như rơm hồ vôi, nứa, giấy bản. Những chất liệu này được dùng để tạo các vòm cuốn. Điều này gây hiệu quả phản âm khi hành lễ mà không cần đến những thiết bị âm thanh hiện đại. Chính vì vậy, mỗi lần có Thánh lễ, nơi đây đã thu hút rất nhiều người tới để được chiêm ngưỡng và tham gia.

net doc dao nha tho ham long

Ảnh: @petertheroad

Thêm một nét độc đáo nữa là nhà thờ có đến hai mặt tiền. Một mặt tiền giáp với phố Ngô Thì Nhậm và phố Hàm Long. Đứng ‘chễm trệ’ giữa trung tâm của nhà thờ là tháp chuông được trang trí giản dị. Trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các hoạ tiết dây thừng như kiểu dây áo dòng Phanxicô.

Đặc biệt, xung quanh nhà thờ còn được trang trí bởi nhiều tượng Thánh có nét điêu khắc rất sinh động. Mọi thứ đều được trang hoàng lộng lẫy, công phu, tỉ mỉ. Tất cả tạo nên một không gian kiến trúc vô cùng ấn tượng. Chắc chắn bạn sẽ phải trầm trồ, ngạc nhiên ngay lần đầu tiên ghé thăm.

doc dao cua nha tho ham long

Ảnh: @hanhliinh___

4. Địa điểm ăn uống

Nhà thờ Hàm Long nổi tiếng không chỉ nhờ kiến trúc độc đáo mà còn nhờ ẩm thực phong phú xung quanh. Đối với những Giáo dân, sau khi làm lễ thường sẽ rất đói bụng hoặc khát nước. Vì giờ làm lễ thường rạng sáng và chớm tối. Điều này cũng rất dễ dàng để họ tìm một nơi trú chân và thưởng thức món ăn ngon Hà Nội. Riêng khách du lịch thì sau khi ‘chụp choẹt’ mệt mỏi cũng rất cần một nơi nào đó để nghỉ ngơi và nạp năng lượng.

Dưới đây là một số quán ăn uống gần nhà thờ được Halo Travel tổng hợp cho bạn:

Địa điểm ăn uốngĐịa chỉ
Trà sữa Share Tea Nhà Thờ86 Phạm Ngọc Thạch, Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Xôi Yến35B Nguyễn Hữu Huân, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giảng Café39 Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Kem Tràng Tiền35 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Trà sữa Gong Cha56 Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ốc Oanh18 P.Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ngoài ra còn vô số món ăn bình dân nhưng đặc trưng hương vị Hà Nội. Đã đến Hà Nội bạn cũng hãy thử hết tinh hoa này đi nhé.

Có thể bạn chưa biết:

Bản đồ phượt quận Hoàn Kiếm ăn chơi ở đâu ngon – bổ – rẻ nhất 

dia diem an uong gan ham long

Ảnh: @_ttalgiiii_

Giờ đây bạn đã hiểu vì sao nhà thờ Hàm Long trở thành nhà thờ lớn và đẹp nhất ở Hà Nội chưa? Một nơi như thế nào làm sao có thể bỏ lỡ được bạn nhỉ? Nếu du lịch Hà Nội thì bạn nhớ đến tham quan công trình kiến trúc tuyệt vời này nhé.

Bài viết liên quan: