Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được biết đến là một trong những nơi lưu giữ, trưng bày các giá trị tốt đẹp về văn hóa của 54 dân tộc Việt. Hiện nay, điểm du lịch thú vị này đã và đang thu hút rất đông du khách tới tham quan mỗi ngày. Hãy cùng Halo tìm hiểu một chút thông tin về bảo tàng Dân tộc học ngay nhé!
1. Giới thiệu về bảo tàng Dân tộc học
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được xây dựng từ năm 1981 với diện tích ban đầu là 3,27ha. Sau này, bảo tàng được cấp thêm hơn 1ha đất xây dựng, nâng tổng diện tích lên 4,4 ha. Nơi đây như một bức tranh thu nhỏ về lịch sử văn hóa của 54 dân tộc anh em Việt Nam. Nét văn hóa của mỗi dân tộc thể hiện rõ qua các hiện vật được trưng bày theo nhiều thể loại khác nhau như: y phục, trang sức, vũ khí, nhạc cụ, tôn giáo,…
Ảnh: @mainieh_
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là điểm đến thích hợp cho các bạn học sinh, sinh viên và những du khách có niềm hứng thú đặc biệt với văn hóa dân tộc. Các kiến thức về phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt hay đặc điểm riêng của từng dân tộc sẽ được bảo tàng bật mí một cách chính xác, sinh động đến du khách. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều hoạt động tinh thần bổ ích được du khách yêu thích cũng như đánh giá cao.
2. Địa chỉ bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở đâu
- Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm ngay trên trục đường Nguyễn Văn Huyên, trực thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nơi đây cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 8km, rất dễ dàng để bạn di chuyển và tìm kiếm.
Bảo tàng này là nơi mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa vô cùng to lớn. Đối với du khách khi tới Hà Nội, bảo tàng Dân tộc học luôn là điểm đến nằm trong danh sách không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Thủ đô của mình.
Ảnh: @jakesaint_
3. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có những gì?
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có 3 khu vực trưng bày chính ở ngoài trời và trong nhà để bạn thỏa sức khám phá. Cụ thể như sau:
Vườn kiến trúc
Đây là khu trưng bày ngoài trời với diện tích lên đến 2ha. Vườn kiến trúc giới thiệu tới du khách các kiểu nhà cửa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên cũng như vùng núi phía Bắc. Ở đây, bạn có thể chiêm ngưỡng 10 mô hình phục dựng hình dáng nhà của các dân tộc Việt như: Nhà rông, nhà sàn, nhà ngói,… Từng chi tiết từ cổng vào, giếng nước, bậc thang đều y như thật, làm nổi bật lên nét đặc trưng của mỗi dân tộc.
Ảnh: @ngcanhh.iu
Khu trưng bày Trống Đồng
Khu trưng bày Trống Đồng là nơi du khách được chiêm ngưỡng những kiểu trang phục truyền thống, các nghi lễ hoặc công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt xa xưa. Hiện nay, đây là điểm trưng bày đến hơn 15.000 hiện vật, 42.000 thước phim và các băng ghi âm, âm nhạc khác nhau về văn hóa, phong tục của 54 dân tộc Việt.
Ảnh: @_huyn.chan_
Khu trưng bày Cánh Diều
Đến với khu trưng bày Cánh Diều, bạn sẽ được tìm hiểu về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân tại các quốc gia Đông Nam Á. Đồng thời, nơi đây cũng mang đến những nét văn hóa vô cùng đặc sắc và thú vị. Khu trưng bày là điểm tổ chức nhiều hoạt động về giáo dục, chiếu phim, tư liệu văn hóa về các dân tộc Việt Nam và những nước trong ASEAN.
Ảnh: @lanhlanhphan
4. Những hoạt động của bảo tàng
Ngoài việc được khám phá những nét đẹp văn hóa độc đáo, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn mang đến cho du khách rất nhiều hoạt động vui chơi thú vị như:
- Múa rối nước: Chủ đề múa rối nước liên quan đến những câu chuyện trong đời sống, sinh hoạt thường ngày của các dân tộc. Chúng được biến tấu và kể lại bằng hình ảnh rối nước sinh động, hấp dẫn. Giá vé: 90.000đ/người lớn và 70.000đ/trẻ em. Buổi sáng bạn sẽ được xem biểu diễn miễn phí.
- Dân ca quan họ Bắc Ninh: Những buổi hát dân ca quan họ giao lưu văn nghệ sẽ được phục vụ, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Nếu có khả năng, bạn cũng có thể tham gia trổ tài tại các buổi biểu diễn này.
- Nhiều trò chơi dân gian như: Ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, đi thăng bằng,… sẽ được tổ chức trong khuôn viên của bảo tàng. Đây là những trải nghiệm thú vị mà bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ khi đến đây.
Ngoài ra, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn bán nhiều món đồ lưu niệm độc đáo mang nét văn hóa của 54 dân tộc. Nếu muốn, bạn cũng có thể mua về làm quà cho bạn bè, người thân của mình.
- Khám phá thêm: Những di tích lịch sử ở Hà Nội
Ảnh: @sieunhanchuoi92
5. Giá vé bảo tàng Dân tộc học
Hiện nay, mức giá vé tham quan bảo tàng Dân tộc học được tính như sau:
- Giá vé tham quan bảo tàng: 40.000đ/lượt
- Giá vé tham quan dành cho sinh viên: 15.000đ/lượt
- Giá vé tham quan dành cho học sinh: 10.000đ/lượt
- Các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, dân tộc thiểu số: Giảm 50% giá vé
- Trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người có thẻ ICOM, thẻ nhà báo, nhà tài trợ: Miễn phí.
- Phí thuyết minh bảo tàng dân tộc học Việt Nam trong nhà/ngoài trời bằng tiếng Việt: 50.000đ
- Phí thuyết minh trong nhà bằng tiếng Anh/Pháp: 100.000đ
Ảnh: @26.06xmc
6. Một số lưu ý khi tham quan
Để chuyến tham quan bảo tàng Dân tộc học của bạn được suôn sẻ và trọn vẹn nhất, hay lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Không nên tổ chức các đoàn đi quá đông để đảm bảo chất lượng tham quan.
- Bảo tàng có hướng dẫn viên thuyết minh về bảo tàng dân tộc học bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp cho các khu vực khác nhau. Do đó, bạn có thể yêu cầu hướng dẫn tại chỗ, mua vé ở cổng hoặc đăng ký trước khi đến bảo tàng.
- Khi đi tham quan, không mang theo các vũ khí, chất dễ cháy, nổ, các chất độc hại,…
- Để tư trang đúng nơi quy định, mang tiền và những vật phẩm có giá trị cao theo người.
- Giữ gìn vệ sinh chung, không gây ồn ào, mất trật tự.
- Không mang theo đồ ăn, thức uống vào bên trong khuôn viên bảo tàng.
- Không sờ mò, ngồi hay di chuyển các vật phẩm trưng bày.
- Không mang theo thú cưng, súc vật vào trong bảo tàng.
Ảnh: @quysquoocs
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà bạn nên biết. Nếu có dịp du lịch Hà Nội, đừng quên ghé thăm điểm đến nổi tiếng này nhé!
Bài viết bạn quan tâm:
- Khám phá nhà tù Hỏa Lò: ở đâu, giá vé, có gì đặc biệt bên trong?
- Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam
No comments:
Post a Comment